Sử dụng điều hòa không khoa học sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho bạn và gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Lợi bất cập hại khi sử dụng điều hòa-1
Tác hại của việc sử dụng điều hòa không khoa học
Trẻ khi chạy nhảy chơi đùa, người lớn làm việc ngoài trời nóng bức, mồ hôi đầm đìa đột ngột vào phòng có sử dụng điều hòa, nhiệt độ quá chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài môi trường dẫn đến hiện tượng thay đổi thân nhiệt nhanh chóng, người bệnh sẽ có cảm giác ớn lạnh, rùng mình, nổi da gà do hiện tượng co mạch ngoại vi và các lỗ chân lông ngoài da để giữ nhiệt.
Nếu cơ thể không điều chỉnh được, đặc biệt ở những người có sẵn các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, huyết áp thấp, tiểu đường, người vừa ốm dậy, trẻ nhỏ… có thể để lại hậu quả nặng nề như choáng, ngất, méo mặt do liệt dây thần kinh điều khiển cử động cơ mặt (vì dây này nằm rất nông) còn gọi liệt dây VII ngoại biên, tai biến mạch máu não… thậm chí tử vong.
Không những thế, máy điều hòa là nơi thích hợp cho các vi sinh vật như nấm mốc và vi trùng cư ngụ và phát triển. Theo các nghiên cứu thì các loại vi sinh vật này có thể xuất hiện khắp nơi trong nhà, tại văn phòng theo làn khí của máy điều hòa, điều này khiến cho những nguời bị hen suyễn viêm phế quản hay các bệnh hô hấp khác gặp nhiều rắc rối. Cụ thể là họ có thể nhiễm trùng phổi nghiêm trọng, khó thở, thở khò khè hoặc các phản ứng nghiêm trọng khác.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh CDC nấm mốc từ điều hòa không khí có thể ảnh hưởng đến cả người khỏe mạnh, gây thở khò khè, ho và các triệu chứng đường hô hấp trên.
Nếu thấy xuất hiện toàn thân ớn lạnh, niêm mạc vùng mũi họng nhợt nhạt màu, tăng xuất tiết nhiều dịch trong, các cuốn mũi phù nề, có thể có màu tím nhạt. Trường hợp này nên tắt ngay điều hòa, đắp chăn ấm cho đến khi ra được mồ hôi, uống nước ấm, nếu có thể pha thêm chút gừng nướng càng tốt, dùng một số thuốc như babyplex, decolgen…
Nếu sau 2 ngày uống thuốc, các dấu hiệu trên không đỡ mà ngày một nặng lên như sốt kéo dài, nước mũi chuyển sang màu vàng xanh, ho tăng, có đờm đặc, đôi khi xuất hiện khó thở, nhất là ở trẻ nhỏ… cần được bác sĩ thăm khám để có chỉ định điều trị chính xác và kịp thời.
Sử dụng điều hòa sao cho hợp lý?
Các bác sĩ khuyên khi sử dụng điều hòa, với phần quạt điều hòa nên điều chỉnh tốc độ vừa phải, tuyệt đối không để quạt thổi cố định lên cơ thể mà phải để ở chế độ xoay. Không để quạt thốc vào cơ thể, đặc biệt với người từ ngoài trời nóng bước vào hoặc vừa hoạt động thể lực mà nên lau mồ hôi, nghỉ vài phút rồi mới dùng quạt.
Khi nằm ngủ nên nằm cùng hướng thổi của quạt và chỉ nên để tốc độ gió trong mức 0,2 m đến 0,5 m/giây, tối đa không quá 3 m/giây. Nếu ngủ trong phòng thoáng gió chỉ nên mở quạt ở số nhỏ cho gió thổi nhẹ. Người già yếu, người suy nhược và trẻ em nên hạn chế dùng quạt trong lúc ngủ, nếu dùng nên có màn che chắn bớt. Đặc biệt với trẻ nhỏ, khi vừa ở môi trường nhiệt độ ấm (vd: tắm nước ấm bằng bình nóng lạnh ), cần tắt điều hòa, bật quạt nhẹ trước cho trẻ thích nghi dần với nhiệt độ mát rồi mới bật điều hòa mát để tránh trẻ bị sốc nhiệt đột ngột.
Với phòng ngủ có sử dụng điều hòa, ngoài việc phải tính toán sao cho đủ dưỡng khí và vệ sinh định kỳ để tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh vào nhà, nên xác định biên độ nhiệt độ ở ngoài trời và trong phòng ngủ chênh nhau trong khoảng từ 8°C đến 10°C là thích ứng.
Những ngày nắng nóng nên để máy lạnh ở mức từ 25°C đến 28°C để cơ thể không phải chống nóng hoặc chống lạnh và không bị choáng váng khi thay đổi môi trường đột ngột. Khi từ phòng lạnh bước ra ngoài nên mở to cửa và đứng ở cửa khoảng 2 đến 3 phút để cơ thể thích nghi với không khí, nhiệt độ mới và nên uống nhiều nước để chống khô họng. Khi sử dụng nệm nước, giữa chỗ tiếp xúc cơ thể và nệm phải có miếng vải lót làm vật chắn vì lớp vỏ cao su dễ gây dị ứng cho da.